DẤU CHÂN TRÊN CÁT - GÃ KHỔNG LỒ VỀ AI CẬP
Ai Cập là cái nôi của nền văn minh nhân loại, là một trong những nơi đầu tiên trên thế giới phát minh ra chữ viết cho loài người. Thế nhưng một Ai Cập thịnh vượng, phồn vinh với những chiến công hiển hách, những cuộc chinh chiến các nước láng giềng cũng chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ. Những bí mật được chôn sâu trong lòng cát về truyền thuyết của một nhân vật người Ai Cập rất nổi tiếng rốt cuộc là đi về đâu?
Mika Walter là tác giả chính của cuốn “The Egyptian” (tạm dịch: Dấu Chân Trên Cát, được xuất bản năm 1945). Ông là một nhà soạn kịch Phần Lan nổi tiếng và được xem là một trong những nhà văn viết nhiều nhất trong thời đại của mình khi sở hữu cho mình cuốn tiểu thuyết Phần Lan duy nhất - The Egyptian - được chuyển thể thành phim Hollywood vào năm 1954. Thế nhưng người đóng vai trò trong việc mang “Dấu chân trên cát” về Việt Nam là dịch giả Nguyên Phong với loạt những đầu sách về tâm linh, văn hóa, sử học như: “Hành trình về phương Đông”, “Muôn kiếp nhân sinh”, “Đường mây qua xứ tuyết”... Dựa vào hiểu biết của mình về Ai Cập cổ đại, ông đã phóng tác kể về xã hội Ai Cập thế kỷ thứ XIV trước CN, qua lời kể của nhân vật chính - Sinuhe.
“Dấu chân trên cát” xoay quanh cuộc đời của một người tên Sinuhe từ khi sinh ra đến lúc lớn lên ở Ai Cập, nhưng cuối cùng với thân thế bí ẩn lại bị đày biệt xứ đến Athens, trung tâm văn hóa của Hy Lạp. Ông có rất nhiều học trò và đã truyền dạy cho họ những kiến thức quý báu. Sau khi ông qua đời, học trò của ông đã góp phần xây dựng Hy Lạp trở thành một cường quốc với thời buổi hoàng kim của các triết gia như Plato, Socrates, ... Cuốn sách là đúc kết của những bài học mang giá trị tâm linh, văn hóa đồng thời khắc họa hiện thực xã hội dù cho Ai Cập xa xưa hay cuộc sống hiện đại, thời nào cũng có.
Gã “khổng lồ” mang trong mình những kiến thức “khổng lồ”
“Dấu chân trên cát” là tập hợp tinh hoa văn hóa Ai Cập. Những giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của đất nước này từ ngàn năm xưa được lột tả một cách rõ nét. Đó là khoa học về sự sống, khoa học về sự chết, chiêm tinh học, thần học,... Những giá trị căn bản từ thuở khai thiên lập địa của Ai Cập trong tác phẩm giúp cho người đọc định nghĩa được bản thân mình là gì giữa vũ trụ bao la, giữa vùng thiên hà rộng lớn. Đọc sách, có những thứ tưởng như rất vô lý, tưởng chừng những điều ấy chỉ nằm trong các câu chuyện khoa học viễn tưởng có từ sự sáng tạo của con người. Nhưng không, đó là tinh hoa văn hóa Ai Cập từ hàng nghìn năm trước, là sự phồn thịnh của một nền văn minh, là sự kết tinh của nhiều khối trí và tư tưởng từ ngàn xưa. Tất nhiên có những kiến thức trong đó còn bí ẩn và đó nói lên sự vĩ đại của Ai Cập. Hiện nay không ai lý giải được làm thế nào để xây nên kim tự tháp, làm thế nào mà kim tự tháp có thể đạt tới tỉ lệ tuyệt vời như thế,... Trong thời kỳ phồn thịnh của Ai Cập, tri thức của những con người ở nơi đây đã đạt đến mức thượng thừa nhưng ngày nay đó chỉ còn là những hạt cát lặng lẽ trôi không ai biết đến. Và “Dấu chân trên cát” khai thác giá trị của các hạt cát đó để đem những tinh hoa ấy truyền tới người đọc. Ngoài những kiến thức từ nền văn minh ngàn xưa, “Dấu chân trên cát” còn cho ta hình dung được trật tự xã hội Ai Cập thuở ấy. Chúng ta biết những vị pharaoh đầy quyền lực, dân Ai Cập hiếu chiến, những vị giáo sĩ là cầu nối giữa dân và thần,... Nhưng quyền lực thế nào, hiếu chiến ra sao, là cầu nối là làm gì,... thì hẳn rất ít người có thể biết rõ và tất cả những điều đó đều được thể hiện rõ nét trong cuốn sách. Đời sống, sự hiếu chiến, thần linh, luật lệ... của người dân Ai Cập được truyền đến người đọc một cách sống động và giúp cho sự hiểu biết của ta được lên một tầm cao mới.
“Khoa Địa lý Ai Cập đã định rằng tất cả những miền nào xây dựng trên mặt cát chỉ huy hoàng trong một thời gian ngắn rồi lụi tàn, nhưng mấy ai chịu để ý tới điều ấy. Gặp thịnh thời, con người mải miết những lo toan những tham vọng viển vông mà đâu biết rằng những gì xây dựng trên mặt cát đều sớm lụi tàn nhanh chóng.”
Akhenaten IV - vị Pharaoh tranh cãi bậc nhất Ai Cập “Dấu chân trên cát” lấy bối cảnh đất nước Ai Cập dưới sự trị vì của vua Akhenaten IV. Trên cương vị là một kẻ nổi loạn, một vị Pharaoh độc tài và là người sáng tạo ra một trong những tôn giáo đơn thần (thần Aten) sớm nhất và gây tranh cãi của thế giới, Akhenaten được gọi là “cái tôi” đầu tiên của lịch sử. Những xáo trộn mà ông gây ra với phong tục và tín ngưỡng của Ai Cập cổ đại trong hàng thế kỷ trước lớn đến nỗi sau khi băng hà năm 1336 trước công nguyên, ông bị nhiều thế hệ về sau gán cho tội danh kẻ nổi loạn theo dị giáo. Cái tên Akhenaten đã bị gạt ra khỏi danh sách các vị vua chính thức của Ai Cập. Tất cả những chi tiết đó vô tình biến Akhenaten trở thành một trong những nhân vật có sức cuốn hút và gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử của Ai Cập. Thế nhưng, ông cũng là người đi tiên phong cho việc giải trừ vũ khí, hòa hoãn với các nước láng giềng và đem lại bình yên cho Ai Cập trong ngần ấy năm trị vì. Vậy Akhenaten rốt cuộc là vị vua mang tầm nhìn vượt thời đại hay chỉ là gã điên mang tội danh dị giáo?
Thay đổi phải đến từ chính bản thân của mỗi người
Ai trong chúng ta cũng có những hoài bão, suy nghĩ và quan điểm khác nhau. Người thì muốn cứu cả thế giới, người thì lại chọn một cuộc sống an toàn. Tương tự với Sinuhe và bạn thân của cậu, Horemheb, dù là bạn thân từ thuở nhỏ nhưng cả hai lại chọn cho mình những hướng đi khác nhau để thực hiện ước mơ của mình. Tuy nhiên sự thay đổi ấy lại gặp phải muôn vàn khó khăn. Điều tương tự cũng xảy đến với Pharaoh Akhenaten IV khi ông tin rằng những người chiến thắng thì không tạo ra chân lý và chọn không giẫm vào vết xe đỗ của tổ tiên mình. Ông hướng Ai Cập theo chủ nghĩa một thần linh (thần Aten) và chọn giải trừ vũ khí, làm hòa với những nước láng giềng thay vì áp đặt tư duy cổ hủ “mạnh được yếu thua”. Sự thay đổi xuất phát từ chính bản thân và tư tưởng của ông đã gặp phải sự phản đối của cả xã hội, quan lại và thậm chí là cả mẹ đẻ, em gái ruột. Có một câu mà bản thân mình khá tâm đắc khi đọc tác phẩm là “Xã hội Ai Cập được tạo ra từ sự hỗn loạn về mặt nội tâm của con người”. Điều này không chỉ đúng với xã hội Ai Cập mà còn đúng với xã hội hiện tại. Thái độ và cách nhìn nhận của mỗi người sẽ quyết định môi trường xung quanh họ. Chính vì thế, nếu bạn muốn môi trường và thế giới xung quanh mình trở nên tốt đẹp hơn thì đối tượng đầu tiên bạn cần phải thay đổi là chính bản thân mình. Bởi chỉ có bản thân các bạn mới hiểu được mình cần những gì và mong muốn gì ở cuộc sống. Hãy thay đổi chính bản thân mình trước khi bạn muốn thay đổi thế giới!!
Thất bại là sự tất yếu của quá trình trưởng thành
Trên hành trình của cuộc đời, Sinuhe đã thất bại rất nhiều lần. Nhân vật thất bại trong tình yêu, bị cấm dỗ bởi nhục dục và tiền bạc. Sinuhe sa vào lưới tình của cô nàng Nefer xinh đẹp, để rồi từ đó sinh lòng ghen tuông và đố kị với người bạn thân Horemheb trong một lần bắt gặp cả hai người thân mật với nhau. Không những thế, cuộc đời đưa đẩy khiến chàng trai không còn tin vào những lí tưởng tốt đẹp mà trở thành nô lệ của đồng tiền. Nhưng sau tất cả, nhờ những thất bại ấy mà Sinuhe mới tìm được con người thật của chính mình. Tương tự vậy, cuộc sống hiện đại cần mỗi cá nhân không chạy trốn thất bại và phải đối mặt với điều kiện cần và đủ của mỗi người. Bởi cuộc đời của mỗi người là những lăng kính khác nhau. Sự thù hận, đố kị hay sự ganh ghét với thành tích của người khác chỉ khiến cuộc sống của con người ta càng thêm khổ sở hơn mà thôi.
Dù ở thời kì nào thì giáo dục vẫn là sự đầu tư khôn ngoan cho mỗi quốc gia
Khác với những giáo điều, quan niệm giáo dục trước đây, mục đích thật sự của giáo dục đã được thể hiện rõ qua góc nhìn của vị vua Akhenaten. Đó là sự toàn vẹn trong việc biết được chính mình, hiểu được chính mình. Từ đó con người ta mới có thể có cả trí tuệ lẫn tình yêu thương để giải quyết những vấn đề, những khác biệt trong xã hội. Bởi xã hội là tấm gương phản chiếu tư tưởng xuất phát từ nội tâm của mỗi cá nhân và khi quyền lực là mục đích của cuộc sống thì hiển nhiên bạo lực là phương thức của xã hội. Với hiểu biết của mình về giáo dục, Akhenaten mong Sinuhe có thể hiểu được nền giáo dục cần được xây dựng trên nền tảng minh triết của sự tự biết mình. Hơn thế nữa, giáo dục còn là một quá trình linh động, không bó buộc hay khắt khe như những giáo điều, đòi hỏi con người ta phải trau dồi từng giờ, từng phút, từng giây. Sự đầu tư vào giáo dục là một sự đầu tư khôn ngoan cho mỗi quốc gia.
Sự phân tầng xã hội là yếu tố dẫn đến tình trạng hỗn loạn của xã hội
Lịch sử Ai Cập ghi chép lại những sự kiện, cuộc đấu tranh quan trọng và người tạo ra lịch sử, người có địa vị càng cao lại càng nắm trong tay quyền lực quyết định hình ảnh mà hậu thế nghĩ về họ. Không những vậy, xã hội Ai Cập còn được trị vì theo chế độ giai cấp, tạo nên một hố sâu không đáy trong cuộc sống của từng thành phần xã hội. Tất cả những điều này phản ánh một sự thật khốc liệt thời bấy giờ, cũng như bản chất của cuộc sống hiện đại: con người chạy theo địa vị và dần mất đi sự tự tin vốn có của mình. Điển hình là bạn thân của Sinuhe, Horemheb. Trong suốt cuộc đời mình, nhân vật này đã nỗ lực rất nhiều để trở thành tướng quân trong triều đình, và dù mong ước ấy đã trở thành hiện thực, Horemheb vẫn luôn đâu đó về xuất thân thấp kém của mình. Sự phân tầng xã hội và văn minh đại chúng đã gieo mầm nguồn năng lượng tiêu cực vào đáy xã hội, kéo theo một cuộc chiến không hồi kết và gây ra những tổn thất to lớn cho người dân vô tội.
“Cha ta trọn đời chỉ lo chiến đấu với người Hititiles và Nubia vì lúc nào cũng sợ họ xâm lăng và hiển nhiên người Hititiles và Nubia cũng lo Ai Cập xâm phạm bờ cõi. Tất cả đều mắc vào vòng lẩn quẩn của sự vô cớ này. Chính sự sợ hãi để đem lại thù hận, và hận thù cứ thế tăng lên do các cuộc chiến tranh kéo dài năm này sang năm khác. Rốt cuộc, mọi người đều chỉ biết giết chóc chứ không biết yêu thương, chỉ biết sử dụng vũ khí chứ không biết trau dồi phẩm hạnh. Khi con người xa đọa đến mức này thì xã hội đã rối loạn sẽ rối loạn thêm, do đó ta muốn cắt đứt cái vòng lẩn quẩn ấy.”
______________________________________________________________________*** Phóng tác là việc mô phỏng theo nội dung một tác phẩm đã có trước, chuyển tác phẩm từ thể loại này sang thể loại khác để tạo ra tác phẩm có hình thức thể hiện khác với hình thức thể hiện của tác phẩm ban đầu. Tác phẩm phóng tác được hưởng đầy đủ quyền tác giả.
Nhận xét