Y HỌC VÀ NHỮNG ĐIỀU CHƯA KỂ

 

    Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2021), BOOKAHOLIC xin gửi một lời tri ân sâu sắc đến những vị bác sĩ ngày đêm thầm lặng cống hiến cho nền y học nước nhà với tất cả sự trân trọng và niềm biết ơn sâu sắc nhất từ tận đáy lòng!

    Đối với nền Y học nói chung, hào quang của nó luôn không ngừng tiến về phía trước,  “những bệnh tật của ngày hôm nay không che phủ chân trời của ngày mai, mà thúc đẩy nỗ lực lớn hơn nữa” (William James Mayo). Và, đằng sau đó là những nỗ lực không ngừng, đó là những câu chuyện, những bức màn sự thật, sự tận tâm vô giá của những bậc lương y,... mà chỉ có thể lưu giữ và sống mãi trong lòng người và những cuốn sách để đời.

   Hãy nói rằng bạn yêu những tà áo blouse trắng và tôn thờ y học như một “vị cứu nhân”! Bạn sẽ cảm thấy mình thật may mắn biết bao khi biết đến những tác phẩm xuất sắc này! 


  1. Khi hơi thở hóa thinh không” - Paul Kalanithi

Được viết bởi Paul Kalanithi - một bác sĩ phẫu thuật thần kinh và cũng là một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối, đây thực sự là một cuốn sách ý nghĩa về căn bệnh lãnh án tử thần, về sự sống và cái chết, một câu chuyện về cuộc đời tận hiến mà đau thương.

“Một ngày chúng ta được sinh ra, một ngày khác chúng ta sẽ chết đi, cùng một ngày, cùng một giây…Cửa sinh cũng là cửa tử, ánh sáng lóe lên trong một khoảnh khắc, và lần nữa lại là đêm.” (Samuel Beckett)


Vì cái chết và ý nghĩa, là những câu hỏi mà tất cả chúng ta sẽ đều phải đối mặt tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Và trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là sống như thế nào cho tươi đẹp, nghĩa lý?


“Khi hơi thở hóa thinh không” đã làm trọn vẹn thiên chức của một tác phẩm văn học, nó nhìn về cái bi lụy của cái chết để tìm ra cái ánh sáng của sự sống. Cái chết đóng lại cuộc đời của một người bác sĩ, nhưng cái tuổi 35 ấy lại sống trọn giữa thế thái nhân sinh, để trái tim của cuộc đời người bác sĩ tài hoa ấy vẫn ngàn năm còn đập những nhịp đập rung rinh trước cuộc đời. Tác phẩm lấy một đề tài về cái chết, viết về cái chết nhưng lại giúp tác giả níu trọn sự sống, cái sự sống khi tìm ra ý nghĩa cuộc đời.


  1. “Nhân tố Enzyme” - Hiromi Shinya

Nếu bạn đang học cách yêu cơ thể mình, bắt đầu quan tâm đến sức khỏe thì cuốn sách này là sự lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn. Với giọng văn gần gũi, dễ hiểu và đầy tận tâm của vị bác sĩ người Nhật tài ba Hiromi Shinya - hơn 40 năm làm bác sĩ nội soi dạ dày, người đầu tiên trên thế giới thành công trong việc phẫu thuật cắt bỏ Polyp Đại tràng mà không cần mổ bụng. “Nhân tố Enzyme” chắc chắn sẽ khiến bạn phải “đỏ mặt” nhìn lại lối sống của chính mình.

Bạn có đang ăn sữa chua mỗi ngày để cải thiện tiêu hóa; uống sữa bò mỗi ngày để có canxi; bổ sung vitamin bằng các loại thuốc thay vì trái cây; uống trà Nhật giàu cachein để chống lại lão hóa, ung thư; dùng nước đun sôi để nguội để loại bỏ tồn dư clo trong nước máy,..? Tất cả đều là những quan niệm thật sự sai lầm.


Bác sĩ Hiromi Shinya chỉ ra rằng dạ dày, đường ruột là "vị tướng" và "tràng tướng", nếu giữ được hai vị tướng tốt đồng nghĩa với việc bạn có thể sống thọ và khỏe mạnh. Cuốn sách với những phương pháp sống lâu, khỏe mạnh từ việc không tiêu tốn hết "enzyme diệu kỳ" có chăng là một món quà quý giá không thể bỏ qua trong đời?


  1. “Ai rồi cũng chết” - Atul Gawande

Bằng nỗ lực không mệt mỏi và đầy tình yêu thương, con người được đúc kết trong cuốn sách “Ai rồi cũng chết”, bác sĩ Atul Gawande giúp độc giả nhìn nhận thực tế về sự hữu hạn của mỗi cuộc đời một cách sâu sắc. 

“Ai rồi cũng chết”, chẳng có ai tồn tại mãi mãi giữa thế nhân rộng lớn và y học cũng có những giới hạn không thể chạm tới. Y học có thể giúp chúng ta vượt qua những “nỗi đau” của cơ thể trong hành trình sống của mỗi người nhưng khi đứng trước quy luật sinh - lão - bệnh - tử, nó cũng chỉ là con số 0.

“Ai rồi cũng chết” - Vậy hãy sống sao cho ra một “CON NGƯỜI” với hai chữ viết hoa!

“Một cuốn sách mà tất cả những người “còn thở” cần phải đọc” (Elise L. Hesseron)


  1. “Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks” - Rebecca Skloot

Rất nhiều điều ít ai biết về người phụ nữ Henrietta và sự ra đời của dòng tế bào HeLa sẽ được giải mã trong cuốn sách của nữ tác giả Rebecca Skloot sau 10 năm rong ruổi tìm kiếm những mảnh ghép sự thật.

Khối u của Henrietta đã thỏa mãn ước mơ nuôi cấy thành công tế bào người bất tử đầu tiên của một số nhà khoa học tế bào. Các tế bào HeLa đã làm nên một phép màu nhiệm cho y học khi liên tiếp tạo nên những thành tựu y học như ngăn chặn căn bệnh bại liệt, thậm chí cả AIDS và thuốc trị ung thư. 

Nhưng, đằng sau dòng tế bào nổi tiếng ấy là những cuộc đời đầy khốn khổ của một gia đình gia màu điển hình sống trong thời đại của Jim Crow, một đạo luật kỳ thị chủng tộc và chống lại người da đen. Cuốn sách thực sự tiếng nói đòi lại công bằng đầy mạnh mẽ, đem lại những hiểu biết về nền khoa học - y học thế  giới, xứng đáng với những tiếng vang mà nó đã gây dựng nên.

 ______________________

Nội dung: Nga Phan

Hình ảnh: Kim Ngọc


Liên quan

Nhận xét